Tôi hỏi người bạn đồng nghiệp ở Washington DC về giấc mơ Mỹ của mình, anh thản nhiên đáp: Giá như DC chỉ có xe đạp!
Tôi nhớ năm 1989 mua được cái xe máy Star của Đức cùn gỉ, chạy lạch bạch ngoài đường, bạn bè mê mẩn vì họ vẫn lọc cọc xe đạp trên phố. Người bạn nước ngoài thấy thế lại hỏi, sao không đi xe đạp, vừa rẻ tiền, an toàn, vừa bảo vệ môi trường. Mình nghĩ bụng, cha Tây điên khùng, người ta đang muốn lên đời bằng xe có động cơ thì lão lại bàn lùi.
Hơn 20 năm sau, sang Mỹ, ở thủ đô Washington DC, mới thấy anh bạn Tây kia có lý.
Đạp 20 cây số đi làm
Washington DC đang rộ chiến dịch đi xe đạp bảo vệ hành tinh xanh. Sở Giao thông có chương trình 10 năm xây dựng hệ thống giao thông dành riêng cho xe hai bánh. Nhiều thành phố lớn của Mỹ cũng có chương trình ưu tiên xe đạp. Ông Antonio Villaraigosa, Thị trưởng TP.Los Angeles (California), đang có kế hoạch chi tiêu 16 triệu USD để đặt 400 ga xe đạp có sức chứa 4.000 chiếc xe đạp cho dân đi lại trong thành nội.
Hiện nay xe đạp vẫn là phương tiện phổ biến ở Washington DC vốn bị xếp vào loại đất chật, người đông, chỗ đỗ xe hơi vừa hiếm vừa đắt. DC hiện có hơn 100 km đường dành riêng cho xe đạp song hành với xe hơi. Trên các phố cổ như Georgetown, phố M (giống như Hàng Đào, Hàng Ngang của Hà Nội), xe đạp lẫn với xe hơi, thành phố luôn sống động. Hằng ngày có hàng ngàn người đạp xe tới công sở. Ngay trong trụ sở Ngân hàng Thế giới (WB), cả trong gara lẫn ngoài phố, đều có chỗ khóa xe đạp miễn phí. Các bà các cô mặc váy vẫn đạp xe, dù ăn diện rất mốt vẫn đội mũ bảo hiểm.
Anh Paul làm IT trong nhóm của tôi, hằng ngày đạp 20 km đi từ bang Virginia sang DC để đến văn phòng, bất kể trời nắng mưa, rét mướt, trừ khi tuyết rơi dày. Paul nói đi xe đạp giúp rèn luyện sự dẻo dai, chạy 20 km là thường. Có người bán cả xe hơi để dùng xe đạp, nhất là dân văn phòng trong trung tâm. Thấy ai comple trịnh trọng mà đi xe đạp thì bạn cũng đừng ngạc nhiên về tính thực dụng của người Mỹ.
Du lịch “ngựa sắt”
Đến thủ đô Washington và muốn thăm khu National Mall trong một ngày mà xem được nhiều nơi nhưng ít tiền thì làm thế nào? Thăm kho bạc, đến Thư viện Quốc hội, bức tường chiến tranh Việt Nam, nhà tưởng niệm Lincoln, xem “tháp bút chì” Washington, ra hồ Tidal Basin hoa anh đào. Hệ thống Bảo tàng Smithsonian đủ loại tranh ảnh đẹp mê hồn mà miễn phí. Vòng vèo hết mấy chỗ trên cũng hơn 10 km.
Đi metro (tàu điện ngầm) thì không tiện vì National Mall dài gần 3 km, có mỗi một bến metro ở giữa, muốn thăm hết, chỉ còn cách đi bộ. Thuê xe hơi cũng phải tìm chỗ đỗ, kẹt xe, đi lại vòng vèo… Đỗ không đúng nơi quy định cũng bị phạt cả trăm USD. Đỗ được xe rồi, vào nơi cần xem mất thêm nửa km, vẫn phải trả tiền đỗ xe 2,5 USD/giờ mà họ chỉ cho đỗ 2 tiếng. Đi chơi kiểu đó tốn tiền mà không xem được gì trừ phi ai đó thích lái xe ở Mỹ cho biết cảm giác.
Trong trường hợp này, dùng xe đạp thuê của Bikeshare là một chọn lựa tuyệt vời. Phí thành viên một ngày là 7 USD, và 15 USD cho 3 ngày, một tháng hết 25 USD và một năm là 75 USD. Mua phí 1 ngày và 3 ngày ngay tại nơi thuê xe trên phố bằng thẻ tín dụng. Chương trình Bikeshare cho thuê xe đạp thành công ngoài dự đoán. Hiện đã có 2.500 xe đạp màu đỏ, yên có thể điều chỉnh dễ dàng cao thấp cho vừa người dùng, đặt tại 300 trạm trong Washington và vùng lân cận bên Virginia và Maryland.
Có thẻ thành viên được miễn phí 30 phút đầu tiên, từ phút 31 trở đi được tính tiền theo thời gian dùng. Mấy anh bạn làm cùng trong WB, đi họp từ tòa nhà này sang tòa nhà khác cách xa hàng cây số, có thẻ thành viên 75 USD/năm, nên đi lại không mất tiền vì đạp xe chỉ mất 10 phút, vừa khỏe người, vừa tiện. Do 30 phút miễn phí nên nhiều người dùng dịch vụ này để đi từ nhà đến metro, trả xe, rồi đi tiếp. Chiều và sáng sẽ thấy những chỗ thuê xe đạp trống trơn, nhưng về đêm, xe lại trả đủ.
Để lắp đặt mỗi trạm để 6 xe đạp thuê cần tới 41.500 USD. Khóa xe tự động và dùng pin mặt trời được kết nối không dây với trung tâm vận hành. Người dùng đưa thẻ từ vào mở khóa, trung tâm sẽ kiểm tra mã và nếu đúng sẽ mở cho lấy xe và bắt đầu tính thời gian để thu tiền. Khi trả lại xe, hệ thống kiểm tra mã của chiếc xe gắn với ID của người dùng, nếu vượt quá thời gian 30 phút miễn phí, hệ thống sẽ tính tiền trừ vào thẻ tín dụng. Chiếc xe đạp của Bikeshare thuộc loại “nồi đồng cối đá” giá mua mới khoảng 120 USD, hầu hết xe cho thuê đã cũ nhưng họ “cắt cổ” khách hàng với cái giá gần bằng xe mới, vì lúc thuê họ bắt đặt cọc 110 USD, không còn ai có ý định lấy về làm của riêng. Vả lại xe có số serie, có GPS cài bên trong, họ dễ dàng tìm ra xe ăn cắp.
Bạn có thể thăm National Mall và DC bằng xe đạp cả ngày chỉ mất 7 USD. Tại sao? Vì đi từ địa điểm này đến địa điểm kia trong Mall không bao giờ quá 30 phút trừ khi dắt bộ. Từ nhà tưởng niệm Lincoln đến đồi Capitol xa nhất cũng chỉ khoảng 15 phút. Tới nơi đó thường có trạm thuê xe, mình trả lại rồi đi chơi thoải mái. Chán rồi quay ra lấy cái khác, phóng vèo tới nơi mới, trả xe rồi lại thăm bảo tàng. Cứ thế hết điểm này sang điểm khác, quan trọng nhất là dùng xe dưới 30 phút không mất tiền.
Chống trộm kiểu Mỹ
Như mọi thành phố trên thế giới, Washington cũng có mặt trái. Thành phố có 2.300 khung sắt kiên cố để người đi xe đạp khóa xe chống trộm. Số người dùng xe đạp trong mấy năm qua đã tăng tới 30%, tương đương với hàng chục ngàn xe đạp mới sắm. Cũng vì thế mà số lượng xe bị mất cắp tăng lên khoảng 25%. Những xe có giá cả ngàn USD như Trek, Giant, Canondale, Shimano… rất được bọn trộm để mắt. Chỉ riêng tại các ga tàu điện ngầm, năm 2013 gần 1.000 xe đạp không cánh mà bay. Cảnh sát Washington đã bắt hàng trăm tội phạm trộm xe năm 2013.
Trước tình trạng này, dân dùng xe đạp sáng tạo đủ cách để bảo vệ tài sản. Mua khóa khủng, dây xích, khóa bánh trước, bánh sau, nhưng trộm vẫn bẻ như chơi nếu là xe đắt tiền. Có người khóa xe vào khung sắt hay cột điện, rồi tháo luôn cái yên, vác vào văn phòng, người khác tháo bánh trước mang đi cất chỗ khác.
Nếu thấy một cái bánh xe đạp khóa vào cột meter tính tiền xe hơi thì phải hiểu đó là cách chống trộm xe đạp của người Mỹ. Tuy thế, chưa thấy ai nằm ngủ mà khóa xe vào chân như người Hà Nội thuở nào. Không chỉ chấp nhận nếu mất xe thì báo cảnh sát để lập biên bản, người đi xe đạp còn có thêm nhiều biện pháp dự phòng. Mua xe về, chủ nhân chụp ảnh để lưu trữ và lấy cả số seri. Nếu mất, họ đăng lên mạng, nếu ai dùng xe đó chắc sẽ giật mình. Có người đã tìm được vì đăng ảnh mất xe trên Facebook.
Dẫu có thể bị trộm cắp và “não công” nghĩ cách đối phó nhưng số người đi xe đạp ở thủ đô Washington DC vẫn không ngừng tăng lên. Khi hỏi người bạn làm cùng về giấc mơ Mỹ của mình, anh thản nhiên, giá như DC chỉ có xe đạp.
Nghe thế, ngẫm lại Hà Nội, Sài Gòn từng là thành phố của “ngựa sắt” nhưng giờ đây chỉ còn là ký ức. Nhớ cả người bạn phương Tây nói về xe đạp không phải là bàn lùi, mà đó là tương lai của những thành phố xanh, sạch, đẹp và thân thiện bởi những chiếc xe đơn giản nhưng điều lợi khó mà đong đếm.